Tìm hiểu về rốn trẻ sơ sinh
Dây rốn của trẻ sơ sinh là sợi dây kết nối, giúp mẹ cung cấp cho thai nhi dưỡng chất và oxy qua bánh rau. Sau khi sinh, trẻ sẽ được cắt và kẹp dây rốn bằng một kẹp nhựa vô khuẩn ngăn rốn chảy máu.
Dây rốn sẽ khô và rụng trong khoảng thời gian từ 1 – 3 tuần.
Trong quá trình rụng rốn thông thường, vị trí tiếp xúc giữa dây rốn và da bụng có thể chảy ít dịch nhầy, đôi khi bị nhầm là mủ; và rốn có thể hơi ẩm ướt, dính hoặc có mùi nhẹ.
Sau khi rụng, vị trí rốn rụng có thể chảy ít máu hoặc chất nhầy trắng.
Rốn lành lại hoàn toàn sau khi rụng 7 – 10 ngày.

Chăm sóc dây rốn trẻ sơ sinh như thế nào?
Giữ dây rốn khô: Dùng tăm bông hoặc gạc sạch lau sạch rốn bằng nước muối sinh lý sau khi tắm hoặc thay tã, để hở cho rốn tiếp xúc với không khí sẽ giúp rốn nhanh khô và rụng. Quấn tã dưới rốn và mặc quần áo thoáng khí.
Tắm cho trẻ: Việc làm ướt rốn khi tắm không gây hại cho trẻ, mà còn giúp rốn sạch sẽ, nhanh khô.
Để rốn rụng tự nhiên.

Những dấu hiệu bất thường

Bạn cần cho trẻ đi khám nếu thấy các dấu hiệu sau:
- Khu vực rốn chảy mủ, da xung quanh rốn có màu đỏ hoặc sưng lên hoặc vùng đó nổi lên một nốt sưng mủ màu hồng. Cần cho khám để phát hiện nhiễm trùng rốn và điều trị kịp thời.
- Nếu chảy máu tái dai dẳng hoặc chảy máu nhiều (vẫn còn chảy máu sau 10 phút đè ép hoặc tiếp tục chảy máu trên 3 lần), mẹ nên đưa bé đi khám bác sĩ, vì có thể có bệnh lý gây chảy máu rốn.
- Nếu rốn của trẻ không rụng sau 3 tuần, cần cho trẻ khám phát hiện các bệnh lý tiềm ẩn như nhiễm trùng hoặc rối loạn hệ miễn dịch.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý khách hàng vui lòng liên hệ TẠI ĐÂY.
BS. Phạm Thị Thanh Thủy